Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)
Tuyến giáp là một tuyến nội tiết nhỏ nằm ở phía trước cổ của bạn, bao gồm hai thuỳ trái và phải. Tuyến giáp được coi như một nhà máy sản xuất, đồng thời cũng là kho dự trữ hormone giáp. Những hormone này đóng vai trò giống chiếc đồng hồ, giúp kiểm soát tốc độ của các quá trình chuyển hoá bên trong cơ thể bạn. Nhóm bệnh lý rối loạn chức năng tuyến giáp gồm hai thái cực: tăng tiết hormone giáp quá mức (cường giáp) và giảm tiết hormone giáp (suy giáp).
Nguyên nhân cường giáp thường gặp nhất ở phụ nữ là bệnh Graves. Đây là một dạng bệnh lý tự miễn, trong đó cơ thể hình thành các kháng thể TRAb ngoài tầm kiểm soát. Chúng giống như những chiếc chìa khoá giả, có thể mở cửa và ra lệnh cho tuyến giáp liên tục thực hiện quy trình sản xuất, dẫn đến nồng độ hormone giáp trong máu cao vượt mức bình thường. Một số triệu chứng bạn có thể gặp là run tay, hồi hộp, đánh trống ngực, bứt rứt, sợ nóng, đổ mồ hôi, sụt cân, tiêu chảy, kinh nguyệt thưa, ít. Ngoài ra, lồi mắt cũng là một đặc điểm phổ biến.
Ở chiều ngược lại, suy giáp thường xảy ra sau viêm giáp Hashimoto. Đây cũng là bệnh tự miễn, tuy nhiên có sự hiện diện của một loại kháng thể khác là TPOAb. Chúng tấn công, gây viêm và phá huỷ mô giáp. Ở giai đoạn đầu của bệnh, khi tuyến giáp không còn nguyên vẹn, phần hormone giáp đang được lưu chứa bên trong bị phóng thích ồ ạt vào dòng máu, gây nên triệu chứng tương tự như cường giáp. Lượng dự trữ này có hạn và đến một thời điểm nào đó, hầu hết hormone giáp bên trong nhà kho đều đã thoát ra ngoài, trong khi vai trò nhà máy sản xuất của tuyến giáp cũng bị hư hại, không thể tổng hợp thêm sản phẩm. Lúc này, nồng độ hormone giáp trong cơ thể bạn giảm xuống thấp hơn bình thường. Bạn có thể cảm thấy chậm chạp, sợ lạnh, da dày lên, tăng cân, táo bón hay rong kinh.
Cả cường giáp và viêm giáp đều có thể gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể, đặc biệt là hệ tim mạch. Do đó, việc nhận diện cũng như kiểm soát đúng mức các tình trạng này là điều cần thiết để giữ cho cơ thể bạn ở trong trạng thái ổn định, khoẻ mạnh. Nếu bạn gặp phải một trong những triệu chứng nói trên, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Tài liệu tham khảo
VNMNONE11190067
Bài viết liên quan
Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.
Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục.
Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.
Tiền đái tháo đường càng được quan tâm vì: tỉ lệ tiền đái tháo đường ngày đang tăng dần, đây là giai đoạn trước khi trở thành đái tháo đường thực sự...