Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)
Tiền đái tháo đường ngày càng được quan tâm nhiều hơn trong lĩnh vực y tế công cộng. Thứ nhất, tỉ lệ tiền đái tháo đường trong dân số ngày đang tăng dần. Điều này để lại gánh nặng về y tế lẫn kinh tế cho người bệnh, gia đình và xã hội. Thứ hai, tiền đái tháo đường là giai đoạn trước khi trở thành đái tháo đường thực sự. Do vậy, nếu phòng ngừa đúng cách, bệnh nhân có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm diễn tiến đến mắc đái tháo đường. Thứ ba, việc điều trị tiền đái tháo đường hiện nay đã có nhiều tiến bộ và khá hiệu quả.
Tiền đái tháo đường gồm hai dạng là rối loạn đường huyết đói và rối loạn dung nạp glucose. Vào năm 2021, 541 triệu người trưởng thành (tương đương 10.6% dân số thế giới) bị rối loạn dung nạp glucose. Đến năm 2045, con số này được ước tính là 730 triệu người, tương đương 11.4% dân số. Số người bị rối loạn đường huyết năm 2021 là 319 triệu người, tương đương 6.2% dân số toàn cầu. Dự đoán đến năm 2045, con số này là 441 triệu người, tương đương 6.9% dân số [1].
Tỉ lệ tiền đái tháo đường tăng dần theo tuổi, đặc biệt rõ là rối loạn dung nạp glucose (Hình 1). Trong khi đó, rối loạn đường huyết đói có xu hướng cao nhất ở khoảng 60-64 tuổi và sau đó giảm nhẹ (Hình 2). Xét ở riêng mỗi nhóm tuổi, nghiên cứu gần như đều dự đoán tỉ lệ tiền đái tháo đường có xu hướng tăng từ nay đến năm 2045.
Vùng Tây Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam) là khu vực với tỉ lệ rối loạn dung nạp glucose cao nhất thế giới (12.9%) nhưng tỉ lệ rối loạn đường huyết đói thấp nhất thế giới (2.5%). Đây là khu vực rộng lớn gồm 38 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chúng bao gồm hầu hết quốc gia khu vực Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), Đông Nam Á (11 quốc gia ASEAN), châu Đại Dương (Úc, New Zealand) và các quốc đảo Thái Bình Dương, với dân số khoảng 1.73 tỷ người. Các nước như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia có tỉ lệ rối loạn thuộc hàng cao so với khu vực và thế giới.
Điều này chứng tỏ một kiểu hình bệnh đặc biệt ở cư dân Tây Thái Bình Dương. Những yếu tố như hệ gene di truyền hay chế độ dinh dưỡng, lối sống làm cho chúng ta có xu hướng dễ bị rối loạn dung nạp glucose hơn rối loạn đường huyết đói. Nói cách khác, người Việt Nam dễ tăng đường huyết sau ăn hơn là tăng đường huyết lúc đói. Kết quả nói trên gợi ý một sự khiếm khuyết và nhạy cảm của cơ thể trong vấn đề đáp ứng với tăng đường huyết sau ăn.
Theo thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới (International Diabetes Federation – IDF) năm 2021, Việt Nam có khoảng 5.9 triệu người rối loạn dung nạp glucose (chiếm 8.9% dân số) và 1.5 triệu người rối loạn đường huyết đói (chiếm 2.2% dân số) [1]. Cộng cả hai loại rối loạn này lại, có thể ước tính cứ 9-10 người Việt Nam thì trung bình có một người bị tiền đái tháo đường.
Xét về mặt y tế, tiền đái tháo đường là giai đoạn trực tiếp dẫn đến đái tháo đường. Ngoài ra, tiền đái tháo đường còn có liên hệ với nhiều bệnh lý khác như béo phì, bệnh tim mạch, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, bệnh thận mạn, rối loạn giấc ngủ [3-6].
Ngoài ra, người tiền đái tháo đường đã bắt đầu xuất hiện các biến chứng mạch máu nhỏ giống như đái tháo đường. Chúng bao gồm bệnh võng mạc, bệnh thần kinh và bệnh thận. Tỉ lệ bệnh võng mạc ở người rối loạn dung nạp glucose nhưng không chuyển thành đái tháo đường là 7.9%. Con số này ở những người rối loạn dung nạp glucose và sau đó chuyển thành đái tháo đường là 12.6% [7]. Với người rối loạn đường huyết đói nhẹ (đường huyết đói 99-112 mg/dL), tỉ lệ bệnh võng mạc là 10%. Nhưng nếu đường huyết đói rối loạn nặng hơn (từ 113-126 mg/dL), tỉ lệ bệnh võng mạc tăng gấp đôi lên 20% [8].
Ngoài gánh nặng y tế rõ ràng, tiền đái tháo đường còn gây ra gánh nặng kinh tế. Hiện chưa có dữ liệu thống kê của Việt Nam, nhưng chúng ta có thể tham khảo một nghiên cứu tại Hoa Kỳ [2]. Nước Mỹ tiêu tốn khoảng 43.4 tỉ USD/năm dành cho người tiền đái tháo đường. Tính bình quân, mỗi bệnh nhân tiền đái tháo đường chi tiêu khoảng 500 USD/năm. Chi phí y tế càng tăng dần theo tuổi. Người 65 tuổi trở lên có thể phải bỏ đến 820 USD/năm cho khoản này.
Tóm lại, tiền đái tháo đường là một vấn đề y tế công cộng nổi trội hiện nay. Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỉ lệ tiền đái tháo đường cao, đặc biệt là dạng rối loạn dung nạp glucose. Theo dự đoán, tần suất người tiền đái tháo đường ngày càng tăng dần từ nay đến năm 2045. Tình trạng này để lại nhiều gánh nặng về y tế lẫn kinh tế cho người bệnh.
Tài liệu tham khảo
VN_GM_DIA_315;EXP: 31/8/2024
Nguồn: https://01minh.com/dai-thao-duong/dich-te-hoc-va-ganh-nang-tien-dai-thao-duong.html
Bài viết liên quan
Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.
Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục.
Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.
Cường giáp là bệnh lý gây ra do tuyến giáp sản xuất ra quá nhiều hormone so với nhu cầu của cơ thể.Khi đó, làm tăng quá trình chuyển hóa của cơ thể...